Nét đẹp nghề truyền thống dệt vải ở thôn Pác Ngòi xã Nam Mẫu

Đối với dân tộc tày, nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời, dệt vải được coi là nghề có những nét đẹp riêng trong đời sống của người phụ nữ dân tộc Tày Bắc Kạn. Tấm vải với những nét hoa văn độc đáo được dệt nên bởi đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của người phụ nữ mà còn ẩn chứa những sắc thái văn hoá vô cùng giá trị. Ghi nhận về việc lưu giữ nghề truyền thống này tại thôn Pác Ngòi xã Nam Mẫu./.

Lâu nay, bà Nguyễn Thị Đề thôn Pác Ngòi xã Nam Mẫu vốn được người ta biết đến như một người phụ nữ đảm đang, khéo léo và đặc biệt là rất giỏi trong việc dệt thổ cẩm. Mặc dù, sức khỏe đã kém đi nhiều song hàng ngày tranh thủ những lúc nông nhàn, bà Đề vẫn miệt mài làm việc bên khung cửi dệt vải của mình. Với kinh nghiệm gần 40 năm trong nghề dệt cùng với đôi bàn tay khéo léo của mình, sản phẩm dệt của bà luôn được các khách hàng tin dùng và ưa chuộng bởi sự giản đơn, không cầu kỳ nhưng lại rất bền và đẹp cùng sự tinh tế được thể hiện trên từng nét hoa văn.

Ảnh : Bà Nguyễn Thị Đề thôn Pác Ngòi xã Nam Mẫu dệt vải bằng khung cửi truyền thống

Từ xa xưa, dệt vải là một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc vùng cao. Những tấm vải được dệt thể hiện sự khéo léo tài hoa của người phụ nữ. Sản phẩm thêu dệt chủ yếu làm ri đô, địu, tay nải, mặt chăn bông, khăn trải bàn…. Trong gia đình của người Tày bản địa trước kia, hầu như nhà nào cũng có một khung cửi dệt, mọi đồ dùng từ váy, áo, gối, chăn và cả của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng đều làm từ vải tự dệt..

Theo những người làm nghề dệt thổ cẩm lâu năm cho biết, trước kia đệt thổ cẩm bằng sợi bông nhuộm chàm hoặc sợi tơ tằm đã được nhuộm màu. Để làm ra được một tấm vải phải mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn, từ việc trồng bông, xe bông, quay sợi và dệt mới làm ra được sản phẩm . Ngày nay giá tơ tằm đắt nên người dệt thổ cẩm chuyển sang dùng len để dệt với các màu: đen, đỏ, vàng, xanh tạo ấn tượng mạnh mẽ. Mỗi màu lại có tiếng nói riêng, màu đen tượng trưng cho đất rừng trù phú, màu đỏ của khát vọng và tình yêu; màu vàng tượng trưng cho ánh sáng như thể hiện ước mơ, khát vọng của người phụ nữ. Trước đây, trong mỗi gia đình đều có một khung cửi để dệt vải tuy nhiên hiện nay do sự phong phú của các mặt hàng vải may mặc trên thị trường nên trong thôn Pác Ngòi chỉ còn có khoảng 10 hộ là duy trì nghề dệt truyền thống này để phục vụ gia đình đồng thời làm sản phẩm để bán cho khách du lịch khi có nhu cầu.

Ảnh: Sản phẩm của người dân dệt bằng khung cửi truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho biết: Đến nay nghề dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ dân tộc Tày vẫn lưu giữ được cái hồn của mình, góp phần tạo nên một nét văn hóa độc đáo riêng. Tuy nhiên, những năm gần đây, các nghề thủ công trong đó có nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ bị mai một, các sản phẩm dệt thủ công gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với các mặt hàng khác để phục vụ xu hướng tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó số người biết dệt vải, dệt thổ cẩm đã cao tuổi ngày càng ít dần vì vậy để tiếp tục duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, thì người dân chính là chủ thể để lưu giữ nghề truyền thống này.

Bài trướcPhát triển kinh tế thủy sản ở Ba Bể – cần những chính sách hữu hiệu
Bài tiếp theoĐặng Văn Hùng – Thanh niên làm giàu từ phát triển du lịch ở địa phương